image banner
SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC LÀNG XÃ YÊN TRUNG
Trước kia, Yên Trung gồm có các thôn xã: A Đô, Hà Xá, Lạc Tụ, Lại Xá, Khả Phú và Nam Thạch, ngoài ra còn có các trại Mã Lớn, Bái Đợn, Cần Đụn, Đồng Vàng và Phường Nga. Thời Tùy - Đường (thế kỷ 7 - 8) địa bàn Yên Trung thuộc huyện Quân An, sau đổi là Quân Ninh và huyện Nhật Nam, quận Cửu Chân cho đến thời Đại Việt tự chủ (Nhà Lý). Thời Trần thuộc vào huyện Yên Định và Vĩnh Ninh, thuộc trấn Thanh Đô. Đến thời nhà Hồ do dòng sông Mã đổi dòng, nên một dải đất của huyện Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc) được nhập vào huyện Yên Định, trong đó có một phần đất sáp nhập vào làng A Đô, đó là Điền Thôn (nay là làng Thọ Lộc) và làng Bái Đô (nay là thôn Lạc Tụ).

Đầu thời Nguyễn, mảnh đất Yên Trung có 5 thôn gồm thôn Bái Đô (sau đổi thành Lạc Tụ), thôn Khả Phú, thôn Hà Xá, thôn A Đô (sau đổi là Cổ Đô, Hà Đô) thuộc xã Lộc Bội, thôn Lại Xá thuộc xã Nam Trịnh. Cả hai xã trên thuộc tổng Đan Nê. Đến khoảng đời vua Tự Đức (1848-1883), tổng Đan Nê gồm 17 thôn xã. Địa bàn Yên Trung lúc này gồm có các thôn xã: Thôn Bái Đô, thôn Nam Thạch, thôn Khả Phú thuộc xã Nam Thạch và xã Hà Đô, xã Lại Xá, xã Hà Xá(1) và làng Bùi (Yên Phú).

Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, các làng Bái Đô, Nam Thạch, A Đô, Lai Xá, Hà Xá, Khả Phú thuộc xã Quang Trung. Đầu năm 1947, các thôn làng xã Yên Trung cùng với các thôn làng xã Yên Thọ, Yên Bái, Yên Trường sáp nhập thành một xã lấy tên là xã Yên Thọ.

Cuối năm 1953, huyện Yên Định đã tiến hành điều chỉnh các xã lớn thành các xã nhỏ. Xã Yên Thọ được chia tách ra làm 4 xã có chữ Yên đứng đầu là Yên Trường, Yên Thọ, Yên Bái và Yên Trung. Xã Yên Trung gồm có các làng: Khả Phú, A Đô, Hà Xá, Lai Xá, Lạc Tụ và Nam Thạch.

Ngày 5 tháng 7 năm 1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 177/CP giải thể huyện Thiệu Hóa, đưa 15 vùng tả ngạn sông Chu của huyện Thiệu Hóa tháp nhập vào huyện Yên Định, lấy tên là huyện Thiệu Yên, kể từ đây Yên Trung là một trong 42 xã của huyện Thiệu Yên. Đến ngày 18 tháng 11 năm 1996, để phù hợp với tình hình mới, Chính phủ đã ra Nghị định số 72/CP tái lập các huyện cũ. Huyện Yên Định trở lại với tên gọi cũ và Yên Trung là một trong 29 xã, thị trấn của huyện Yên Định.

Do điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, nên mảnh đất Yên Trung có con người đến khai phá từ rất sớm, vào khoảng trước thời nhà Đinh (thế kỷ X) các cư dân đã đến đây khai hoang phá rậm, cải tạo đất đai thành những đồng ruộng, lập nên xóm làng. Theo các sử sách còn để lại cho biết, trên mảnh đất Yên Trung làng thành lập sớm nhất là Khả Phú (Kẻ Xú), tiếp đến là làng A Đô,...

Theo các nhà nghiên cứu, những làng có từ Kẻ đứng trước một từ nôm khác là những làng rất cổ, được hình thành cùng với quá trình dựng nước của dân tộc ta. Ngày nay, các làng xã của Yên Trung chia thành 12 thôn, mỗi thôn làng đều có lịch sử hình thành và phát triển riêng, song đều góp phần vào xây dựng một Yên Trung có truyền thống cách mạng, lịch sử văn hóa và đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Làng Khả Phú trước đây gọi là Kẻ Xú. Xưa kia làng có 3 ngõ: ngõ Cổng Thang Ngược, ngõ Cổng Thang Xuôi và ngõ Dưới Cổ Ngựa. Đến cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, có ông Nguyễn Hữu Quán người huyện Nga Sơn đến khai hoang lập nghiệp, lập ra xóm trại ở Khả Phú, nhân dân thường gọi là chòm Nga, còn kẻ Xú gọi là chòm Xú. Đến năm 1945, chòm Nga hay còn gọi là Phường Nga, được đổi tên là xóm Vĩnh An, năm 1947 được đổi tên là xóm Thọ Khang, còn Chòm Xú được đổi tên là xóm Thọ Cường và đến năm 1998, hai xóm được gọi là thôn Thọ Khang và thôn Thọ Cường. Xưa kia, làng Khả Phú nằm bên bờ sông Mã, do đó đã sớm hình thành bến đò Xứ và chợ Cổ Viên, tạo điều kiện cho nhân dân trong vùng đi lại và buôn bán trao đổi hàng hóa.

Thôn Thọ Cường nằm về phía đông nam của xã, phía bắc giáp thôn Nam Thạch, phía Đông giáp Cựu Mã Giang, phía tây giáp thôn Thọ Khang, phía nam giáp thôn Phú Đức (xã Yên Bái). Hiện nay, thôn có 7 dòng họ sinh sống, gồm: Nguyễn Khắc, Nguyễn Văn, Nguyễn Trọng, Trịnh Bá, Trần Đức, Hoàng Văn và Phạm Văn.

Theo số liệu năm 2010, thôn Thọ Cường có diện tích tự nhiên là 33,8ha, trong đó diện tích canh tác là 27,4 ha, còn lại là diện tích đất ở và đất khác. Có 114 hộ, với 412 người.

Các di tích lịch sử văn hóa như: Đền thờ Đô đốc thanh bạch Tôn thần (Dũng quận công), chùa Khả Phú (Khả Phú Tự), Đình làng,... Ở Thọ Cường hiện còn lưu giữ một số sắc phong của triều Nguyễn phong tặng cho các vị thần và cho làng Khả Phú. Các di tích lịch sử văn hóa ở Thọ Cường đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, do thời gian và chiến tranh nên đã trở thành phế tích, hiện nay các di tích đang được các cấp chính quyền quan tâm đề ra chủ trương phục hồi, nhằm giáo dục lịch sử văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, hầu hết người dân thôn Thọ Cường sống trong cảnh đói nghèo, cơ cực. Đất đai chủ yếu nằm trong tay địa chủ, người dân chỉ biết đi làm thuê cuốc mướn, đi làm cu ly ở đồn điền Đa Nẫm, lên rừng đào củ nâu, củ mài, đốt than, lấy măng để có bữa rau, bữa cháo, trong khi đó phải đóng nhiều khoản thuế, trong đó nặng nhất là thuế thân. Bởi vậy, nhiều người dân trong thôn đã phải rời quê hương đi nơi khác kiếm sống như ông Phùng Vân,... thậm chí có những người vào tận Nam Bộ làm cu ly đồn điền như ông Sinh, ông Quy...

Trước sự áp bức bóc lột của bọn thực dân phong kiến, nhân dân thôn Thọ Cường đã đoàn kết đứng lên chống áp bức và cường quyền, thành lập các tổ chức ái hữu chống bắt phu, bắt lính, đấu tranh đòi giảm sưu cao thuế nặng và tham gia tích cực vào cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong các phong trào đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu như các ông: Nguyễn Hữu Nguyên, Trần Đức Phối, Trần Đức Thịnh, Nguyễn Trọng Ninh, Nguyễn Trọng Đinh, Trịnh Bá Khang, Nguyễn Khắc Giảng, Nguyễn Khắc Chư, Nguyễn Khắc Sớn.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân trong thôn đã tích cực xây dựng, củng cố chính quyền, xây dựng đời sống mới, đồng thời làm tốt nhiệm xây dựng và bảo vệ hậu phương, đóng góp sức người sức của cho tiền tuyến đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Trong các phong trào quyên góp ủng hộ kháng chiến có nhiều gia đình ủng hộ tích cực. Phong trào dân công tiếp vận tiêu biểu là các ông Trần Đức Tọa, Nguyễn Khắc Tục, Nguyễn Trọng Nhã, Trần Đức Dạng. Ngoài ra, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân trong thôn còn làm tốt nhiệm vụ giúp đỡ, nhường nhà cửa, ruộng vườn cho một số cơ quan, đơn vị dựng kho, lấy chỗ làm việc.

Trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Thọ Cường đã làm tốt nhiệm vụ phục hồi, cải tạo, phát triển sản xuất, thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), cùng với quân dân miền Bắc đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời tích cực chi viện cho tiền tuyến đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngoài ra, trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân thôn Thọ Cường còn làm tốt nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ các cháu học sinh K8 ở Vĩnh Linh (Quảng Trị), Lệ Thủy (Quảng Bình).

Qua hai cuộc kháng chiến, Thọ Cường có 87 người nhập ngũ chiến đấu ở các chiến trường, trong đó có một người tham gia cả hai cuộc kháng chiến, 23 người đi dân công tiếp vận, dân công hỏa tuyến, 5 người đi thanh niên xung phong, 10 người đi công nhân quốc phòng, trong đó có 8 người đã hy sinh vì Tổ quốc, 11 người là thương bệnh binh. Với những thành tích đạt được, nhiều cá nhân của thôn Thọ Cường được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 120 Huân huy chương các loại.

Đất nước hòa bình thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thọ Cường đã khắc phục khó khăn, giữ vững an ninh trật tự nơi thôn xóm, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, làm tốt công tác xây dựng đời sống văn hóa. Đến nay, bộ mặt thôn Thọ Cường đã được thay da đổi thịt, không còn nhà tranh tre nứa lá, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Hàng năm tỷ lệ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi, gia đình ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, gia đình văn hóa đạt tỷ lệ cao.

Về tổ chức chính trị: Năm 1948, trên cơ sở số lượng đảng viên, Chi bộ Yên Thọ đã quyết định thành lập tổ Đảng ghép Khả Phú - Nam Thạch, do đồng chí Trịnh Ngọc Khanh làm tổ trưởng, đến đầu năm 1949, do sự phát triển của số lượng đảng viên, nên Khả Phú đã thành lập tổ đảng riêng do đồng chí Nguyễn Khắc Chư làm tổ trưởng. Năm 1953, tổ Đảng Khả Phú là một trong những tổ Đảng của Chi bộ Yên Trung, có 7 đảng viên, đến nay chi bộ có 21 đảng viên, trong đó có nhiều đảng viên được nhận huy hiệu 60, 50, 40, 30 năm tuổi Đảng, do đồng chí Nguyễn Ngọc Đường làm Bí thư. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể quần chúng thường xuyên được củng cố, đã làm tốt vai trò và nhiệm vụ của tổ chức.

Ngày 30 tháng 4 năm 2004, thôn Thọ Cường long trọng tổ chức khai trương xây dựng thôn văn hóa, đến ngày 30 tháng 4 năm 2009 thôn Thọ Cường được công nhận là thôn văn hóa cấp huyện.

Thôn Thọ Khang nằm về phía tây nam của xã và được bao bọc bởi những cánh đồng. Thôn có diện tích tự nhiên là 24 ha, trong đó 20 ha đất nông nghiệp; có 71 hộ, với 318 nhân khẩu. Dòng họ đến sinh cơ lập nghiệp sớm nhất là dòng họ Nguyễn Hữu. Hiện nay thôn có 9 dòng họ sinh sống, gồm các dòng họ: Nguyễn Hữu, Nguyễn Khắc, Đình Văn, Trần Văn, Nguyễn Tác, Trần Đức, Phan Văn, Trịnh Bá và Nguyễn Văn.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới sự cai trị của bọn thực dân phong kiến, người dân Thọ Khang phải chịu cuộc sống cơ cực, đất đai, tài sản bị giai cấp địa chủ chiếm đoạt, người dân chỉ biết đi làm thuê, cấy rẽ, đi làm cu ly ở đồn điền Đa Nẫm, lên rừng đào củ nâu, củ mài, đốt than, lấy măng để có bữa rau, bữa cháo, trong khi đó phải đóng nhiều khoản thuế, trong đó nặng nhất là thuế thân. Nạn đói năm 1945, mặc dù người dân trong thôn đã nhiều cố gắng, song một số người không tránh khỏi cái chết vì đói và phải rời quê hương đến nơi khác kiếm sống.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, nhiều người con ưu tú của thôn đã theo tiếng gọi của Đảng, tích cực tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương như: phong trào Vạn Lợi do cụ Nguyễn Hữu Nguyên phụ trách, thành lập các tổ chức ái hữu giúp nhau trong sản xuất, chống thuế khóa, bắt phu phen tạp dịch và tham gia tích cực vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Trong phong trào đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu như các ông: Nguyễn Hữu Nguyên, Nguyễn Hữu Thản (tức Nguyễn Hữu Ứng), Nguyễn Hữu Sinh,... đồng chí Nguyễn Hữu Thản được công nhận là cán bộ Tiền khởi nghĩa.

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân trong thôn đã tích cực xây dựng, củng cố chính quyền, xây dựng đời sống mới, đồng thời làm tốt nhiệm xây dựng và bảo vệ hậu phương, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân Thọ Khang còn làm tốt nhiệm vụ đỡ đầu bộ đội, tạo điều kiện thuận lợi về nhà cửa, đất đai để các đơn vị, cơ quan sơ tán tiếp tục hoạt hoạt động và làm việc, như cơ quan địa chính làm kho cất dấu bản đồ, một bộ phận của Ủy ban Hành chính Liên khu III, Kho bạc Nhà nước, Kho lương thực của Ty thương binh Thanh Hóa, Sở Thương binh Liên Khu III và kho bông thương nghiệp, bộ phận tài chính của Liên khu III, IV.

Trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Thọ Khang đã làm tốt nhiệm vụ phục hồi, cải tạo, phát triển sản xuất, thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), cùng với quân dân miền Bắc đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngoài ra, trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Thọ Khang còn làm tốt nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ các cháu học sinh K8 ở Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Qua hai cuộc kháng chiến, Thọ Khang có 66 người tham gia lực lượng vũ trang, 3 người đi thanh niên xung phong, 31 người đi công nhân quốc phòng, trong đó có 7 người đã hy sinh vì Tổ quốc, 8 người là thương bệnh binh, đặc biệt là thương binh loại 1 Nguyễn Hữu Oanh, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí đã dũng cảm xung phong cắm cờ Quyết thắng trên đồi A1, được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quân; có 1 bà mẹ Việt Nam anh hùng - mẹ Nguyễn Thị Thi. Với những thành tích đạt được, nhiều cá nhân của thôn Thọ Khang được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 51 Huân, huy chương các loại, cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen.

Đất nước hòa bình thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thọ Khang đã khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, giữ vững an ninh trật tự nơi thôn xóm, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đặc biệt là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm tốt công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đến nay, bộ mặt thôn Thọ Khang đã có nhiều đổi thay. Tỷ lệ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi, gia đình ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, gia đình hiếu học, gia đình văn hóa đạt tỷ lệ cao.

Về tổ chức chính trị: Năm 1948, trên cơ sở số lượng đảng viên trong làng, Chi bộ Yên Thọ đã quyết định thành lập tổ Đảng ghép Khả Phú (Thọ Cường, Thọ Khang) - Nam Thạch, do đồng chí Trịnh Ngọc Khanh làm tổ trưởng, đến đầu năm 1949, do sự phát triển của số lượng đảng viên, nên Khả Phú đã thành lập tổ đảng riêng do đồng chí Nguyễn Khắc Chư làm tổ trưởng. Năm 1953, tổ Đảng Khả Phú là một trong những tổ Đảng của Chi bộ Yên Trung, có 7 đảng viên, đến nay chi bộ có 12 đảng viên, trong đó có nhiều đảng viên được nhận huy hiệu 60, 50, 40, 30 tuổi Đảng, do đồng chí Phan Văn Hữu làm Bí thư. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể quần chúng thường xuyên được củng cố, đã làm tốt vai trò và nhiệm vụ của tổ chức.   

Ngày 20 tháng 12 năm 2005, thôn Thọ Khang long trọng tổ chức khai trương xây dựng thôn văn hóa, đến ngày 20 tháng 12 năm 2010 thôn được công nhận là thôn văn hóa cấp huyện.

Làng A Đô gồm có các thôn: Thọ Long, Thọ Tiến, Thọ Lọc. Vào các triều Đinh, Lê, Lý, Trần có tên gọi là A Đô, Cổ Đô, đến triều Nguyễn có tên gọi là Hà Đô. Theo một số tài liệu còn lưu trữ được cho biết, làng được thành lập từ thời nhà Đinh (thế kỷ thứ IX), do hai anh em họ Trịnh là Trịnh Đạo Phớn và Trịnh Đạo Phác lập ra. Vào khoảng cuối thế kỷ XIV, do dòng sông Mã đoạn đi qua xã đổi dòng, nên một phần đất của huyện Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc) được ghép vào làng A Đô, do đó diện tích của làng được mở rộng. Xưa kia làng có 3 thôn: Điền Thôn, Luật Thôn và Đu Thôn. Năm 1947, ba thôn được đổi tên khác đó là Điền Thôn được đổi là Thọ Lọc, Đu Thôn được đổi là Thọ Long, Luật Thôn đổi là Thọ Tiến. Năm 1953, làng A Đô chia tách thành 5 xóm, gồm Thọ Long, Thọ Vân, Thọ Tiến, Thọ Lọc, Thọ Phúc. Từ năm 1958 đến năm 2001 cùng với quá trình xây dựng hợp tác xã, đội sản xuất các thôn xóm của làng A Đô có sự tách nhập, nhưng cuối cùng trở về với tên gọi: Thọ Tiến, Thọ Long và Thọ Lọc. Làng A Đô là nơi có hoạt động trao đổi kinh tế từ rất sớm. Theo lịch sử của làng vào thời nhà Hồ có bà Thượng Đen, người họ Trương có phụ thân làm quan Thượng thư triều Hồ, gọi là quan Thượng Đen, bà là người có công trong việc xây dựng chợ Đu của làng A Đô. Về sau, để tưởng nhớ công ơn, nhân dân đã tô tượng và lập đền thờ bà ở chợ Đu.

Thôn Thọ Tiến là một trong những phần đất của làng A Đô, thôn nằm về phía đông bắc của xã. Phía bắc giáp với đồng ruộng ngăn cách bởi một con đê, phía đông giáp với hồ Cựu Mã Giang, phía nam giáp ngọn núi Lời. Xưa kia thôn có 3 giáp: Giáp Đông Cả, Giáp Đông Chính và giáp Đông Bình. Hiện nay, thôn Thọ Tiến có diện tích tự nhiên gần 50 ha, trong đó diện tích canh tác là 40,1 ha, có 137 hộ, với 640 nhân khẩu, của 23 dòng họ, gồm các họ: Trịnh Bá, Trịnh Văn, Trịnh Xuân, Nguyễn Văn, Nguyễn Đức, Nguyễn Hữu, Nguyễn Minh, Nguyễn Trọng, Nguyễn Lâm, Phan, Lê Văn, Lê Đăng, Lê Nguyên, Vũ, Đỗ Khắc, Đỗ Văn, Mai Hữu, Mai Trọng, Phạm Văn, Phạm Quốc, Lại Văn, Lại Quang, Hoàng.

 Về văn hóa xã hội. Thọ Tiến có một đời sống tinh thần khá phong phú, với các tục lệ như: lệ bách tính, lệ cỗ nhắm, lệ làng văn, lệ nở hoa, lệ làng giáp, tục khao rãnh, tục xông nhà, tục chạ,....Các di tích lịch sử văn hóa như: Đền thờ Cao Sơn thượng đẳng thần, đình thờ bà Liễu Hạnh, đền thờ Đức Ông hay còn gọi là nghè ông Đốp,... Các di tích lịch sử văn hóa ở Thọ Tiến, do thời gian và chiến tranh nên chỉ còn dấu tích, hiện nay các di tích đang được các cấp chính quyền quan tâm đề ra chủ trương phục hồi, nhằm giáo dục lịch sử văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở quê hương.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, hầu hết người dân thôn Thọ Tiến sống trong cảnh đói nghèo, cơ cực. Đất đai bị địa chủ tìm mọi cách thâu tóm, người dân chỉ biết thuê đất của địa chủ để cày cấy, đến mùa trả 50% số lúa thu hoạch được cho địa chủ, trong khi đó phải đóng nhiều khoản thuế, trong đó nặng nhất là thuế thân.

Với chính sách cai trị thâm độc của thực dân phong kiến, nhân dân thôn Thọ Tiến đã phát huy truyền thống yêu nước đứng lên đấu tranh, đặc biệt là khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, như thành lập các tổ chức ái hữu đấu tranh chống bắt phu bắt lính, chống sưu cao thuế nặng và tham gia tích cực ủng Mặt trận Việt Minh, tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Trong các phong trào đã xuất hiện nhiều quần chúng ưu tú như các đồng chí: Nguyễn Thái Giáp, Lê Văn Thái, Đặng Hồng Khanh, Trịnh Đắc Lộc, Trịnh Bá Dục,... và thôn có đồng chí Nguyễn Hòa Bình - cán bộ miền Nam tập kết được công nhận là cán bộ Tiền khởi nghĩa.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân trong thôn đã tích cực xây dựng, củng cố chính quyền, xây dựng đời sống mới, diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, tích cực tham gia các phong trào ủng hộ kháng chiến như “Mùa đông binh sĩ”, “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”, “Công trái quốc gia”,... đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Ngoài ra, trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân Thọ Tiến còn tạo điều kiện thuận lợi để công binh xưởng sản xuất vũ khí, giành nhiều nhà cửa, ruộng vườn để các cơ quan, đơn vị làm việc, làm kho chứa hàng, chăm sóc thương bệnh binh.

Trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Thọ Tiến đã làm tốt nhiệm vụ phục hồi, cải tạo, phát triển sản xuất, thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), cùng với quân dân miền Bắc đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời tích cực chi viện cho tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Qua hai cuộc kháng chiến, Thọ Tiến có 62 người tham gia lực lượng vũ trang, 6 người đi dân công hỏa tuyến, 5 người đi thanh niên xung phong, 3 người đi công nhân quốc phòng, trong đó có 12 người đã hy sinh vì Tổ quốc, 1 gia đình có 2 liệt sĩ là gia đình cụ Trịnh Trọng Hợi, 12 người là thương bệnh binh. Đóng góp nhiều tấn lương thực, thực phẩm. Với những thành tích đạt được, nhiều cá nhân của thôn Thọ Tiến được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 52 Huân, huy chương các loại.

Đất nước hòa bình thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thọ Tiến đã khắc phục khó khăn, giữ vững an ninh trật tự nơi thôn xóm, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng đời sống mới. Đến nay, nhân dân thôn Thọ Tiến đã có sự thay đổi, không còn nhà tranh tre nứa lá, đời sống vật chất và tinh của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Hàng năm tỷ lệ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi, gia đình ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, gia đình văn hóa đạt tỷ lệ cao.

Về tổ chức chính trị: Năm 1949, trên cơ sở số lượng đảng viên trong làng, Chi bộ Yên Thọ đã quyết định thành lập tổ Đảng ghép A Đô (Thọ Tiến, Thọ Long, Thọ Lọc), do đồng chí Trịnh Văn Nhân làm tổ trưởng, đến đầu năm 1950, do sự phát triển của số lượng đảng viên, nên A Đô đã thành lập tổ đảng riêng do đồng chí Trịnh Văn Chữ làm tổ trưởng. Năm 1953, tổ Đảng A Đô là một trong những tổ Đảng của Chi bộ Yên Trung, có 15 đảng viên, đến nay chi bộ có 23 đảng viên, trong đó có nhiều đảng viên được nhận huy hiệu 60, 50, 40, 30 tuổi Đảng, do đồng chí Vũ Hồng Bảo làm Bí thư. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể quần chúng thường xuyên được củng cố, đã làm tốt vai trò và nhiệm vụ của tổ chức.

Năm 2001, Thọ Tiến long trọng tổ chức khai trương thôn văn hóa, đến tháng 4 năm 2005 thôn được công nhận là thôn văn hóa cấp huyện.

Thôn Thọ Long vốn là phần đất làng A Đô có tên gọi Đu Thôn. Thọ Long phía bắc giáp xã Yên Thọ, ngăn cách bởi một con đê, phía đông giáp với thôn Tân Lộc (xã Yên Thọ), phía tây giáp thôn Thọ Tiến, phía nam giáp với hồ Cựu Mã Giang. Hiện nay, Thọ Long có diện tích tự nhiên là 48,9 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 41,2ha, có 145 hộ, với 656 nhân khẩu của 6 dòng họ, gồm các họ: Trịnh, Nguyễn, Hoàng, Lại, Phan, Mai.

Cũng như các thôn làng trong xã, Thọ Long có một đời sống tinh thần khá phong phú, có nhiều di tích lịch sử văn hóa như đền, nghè thờ Cao sơn thượng đẳng thần, chùa Yên Thái (gồm 3 chùa hợp thành: chùa Đu, chùa Đen, chùa Chép),... Các di tích lịch sử văn hóa ở Thọ Long, do thời gian và chiến tranh nên chỉ còn lại dấu tích, hiện nay các di tích đang được các cấp chính quyền quan tâm đề ra chủ trương phục hồi, nhằm giáo dục lịch sử văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, hầu hết người dân thôn Thọ Long sống trong cảnh khổ cực. Đất đai chủ yếu nằm trong tay địa chủ, người dân chỉ biết đi làm thuê cuốc mướn, nuôi trâu bò rẽ, trong khi đó chính quyền thực dân lại đặt ra bao nhiêu thứ thuế, để bóc lột đến tận xương tủy của nhân dân ta.

Trước sự áp bức bóc lột của bọn thực dân phong kiến, nhân dân thôn Thọ Long đã đoàn kết đứng lên chống lại áp bức bóc lột, thành lập các tổ chức ái hữu chống bắt phu bắt lính, sưu cao thuế nặng và tham gia tích cực vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Trong các phong trào đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu như các ông: Hoàng Văn Đốc, Trịnh Đức Côi, Trịnh Văn Nhân, Trịnh Văn chữ,...

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân trong thôn đã tích cực xây dựng, củng cố chính quyền, xây dựng đời sống mới, đồng thời làm tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ hậu phương, đóng góp tới mức cao nhất về sức người sức của cho tiền tuyến đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Ngoài ra, nhân dân trong thôn còn giành nhiều nhà cửa, ruộng vườn cho các cơ quan, đơn vị làm nơi ở cho bộ đội, nuôi dưỡng thương bệnh binh, làm kho hậu cần,...

Trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Thọ Long đã làm tốt nhiệm vụ phục hồi, cải tạo, phát triển sản xuất, thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), cùng với quân dân miền Bắc đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời tích cực chi viện cho tiền tuyến đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngoài ra, trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Thọ Long đã nuôi dưỡng và bảo vệ các cháu học sinh K8 (Vĩnh Linh, Quảng Trị).

Qua hai cuộc kháng chiến, Thọ Long có 56 người tham gia lực lượng vũ trang, 5 người đi dân công hỏa tuyến, 13 người đi thanh niên xung phong, 6 người đi công nhân quốc phòng, trong đó có 13 người đã hy sinh vì Tổ quốc, riêng gia đình cụ Hoàng Văn Cẩn có 2 người con là liệt sỹ; 14 người là thương bệnh binh. Với những thành tích đạt được, nhiều cá nhân của thôn Thọ Long đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 90 Huân, huy chương các loại.

Đất nước hòa bình thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thọ Long đã khắc phục khó khăn, giữ vững an ninh trật tự nơi thôn xóm, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng đời sống mới. Đến nay, bộ mặt thôn Thọ Long đã dần dần được đổi thay, đời sống vật chất và tinh của nhân dân được cải thiện. Hàng năm, tỷ lệ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi, gia đình ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, gia đình văn hóa đạt tỷ lệ cao.

Về tổ chức chính trị: Hiện nay chi bộ có 18 đảng viên, trong đó có nhiều đồng chí được nhận huy hiệu 60, 50, 40, 30 năm tuổi Đảng, Bí thư chi bộ là đồng chí Nguyễn Thị Tơ. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể thường xuyên được củng cố và hoạt động có hiệu quả, góp phần vào thành tích chung của xã nhà.

Năm 2005, Thọ Long tổ chức khai trương xây dựng làng văn hóa, đến ngày 30 tháng 4 năm 2012 Thọ Long được công nhận làng văn hóa cấp huyện.

Làng Thọ Lọc xưa vốn là phần đất của xã Vĩnh Ninh (Vĩnh Lộc), từ cuối thế kỷ XIV, do dòng sông Mã đổi dòng nên làng thuộc phần đất của làng A Đô, huyện Yên Định, gọi là Điền Thôn. Vào thời nhà Hồ làng có quan Thượng thư bộ Lại người họ Trương là Trương Quốc Hoa, ông là người da đen, quắc thước, văn võ song toàn, có nhiều công lao hiển hách do đó làng được gọi là làng Đen. Theo dân gian, khi quan thượng thư bộ Lại không đến chầu thì vua nhớ, khi đến chầu thì vua sợ. Do đó, Hồ Qúy Ly đã mượn thầy địa lý người Trung Quốc xem thế đất của quan thượng, thấy thế đất của quan Thượng thư vào thế “rồng chầu hổ phục”, bởi phía đông có hai ngọn núi là núi Kiểu và núi Kỳ Ngải như thế rồng chầu, phía tây có hai ngọn núi là núi Lời và núi Thôn như thế hổ phục, quan thượng lại tậu được nhiều voi chiến, ngựa chiến, nên thầy địa lý đã khuyên Hồ Qúy Ly đào sông (nay là Hón) lấy cớ để thuyền rồng nhà vua vào thăm quan thượng, mục đích là cắt long mạch họ Trương. Khi đào sâu ba thước thì đất quánh không đào được, thầy địa lý đã dùng phân gà bôi vào lưỡi cuốc, lưỡi thuổng mới đào được, khi đào sâu 4 thước thì các mạch nước ngầm chảy ra màu đỏ. Về sau để không phải lo sợ, Hồ Qúy Ly đã triệu quan thượng vào chầu và lấy cớ quan thượng tậu voi chiến ngựa chiến để làm phản, đồng thời mai phục giết quan thượng. Ngày nay ở thôn Thọ Lọc vẫn còn dấu tích đó là khu đồng Tàu Voi, Mã Gia. Vào thời nhà Nguyễn, làng Thọ Lọc có người họ Nguyễn làm quan đến chức công hầu. Theo câu đối ở nhà thờ họ Nguyễn cho biết: Hà quận tướng thiên thu bất hủ; Nguyễn công hầu vạn thọ vô cương. Qua các triều đại, Thọ Lọc còn có nhiều bậc nho sĩ, trí thức, nên làng được đặt là làng văn.

Năm 2001, để phù hợp trong quản lý, điều hành, hai thôn Thắng Lợi và Thọ Lọc sát nhập làm một lấy tên là Thọ Lọc. Hiện nay, thôn Thọ Lọc có diện tích đất ở là 0,36km, đất canh tác là 70ha, có 284 hộ với 1.206 nhân khẩu. Thôn nằm về phía đông của xã, phía bắc giáp với Cựu Mã Giang, phía đông giáp với xã Yên Thọ ngăn cách bởi cánh đồng, phía tây giáp với trường Tiểu học Yên Trung, phía nam giáp thôn Lạc Tụ ngăn cách bởi cánh đồng. Hiện nay, thôn có 13 dòng họ sinh sống, gồm họ Nguyễn Văn, Vũ Văn, Phạm Văn, Trương Văn, Lê Văn, Trần Thanh, Trịnh Văn, Lưu Văn, Lữ Văn, Đào Văn, Lại Văn, Lại Khắc, Doãn Văn.

Trước đây thôn Thọ Lọc cũng như các thôn khác trong làng A Đô có một đời sống tinh thần khá phong phú, có nhiều hoạt động văn hóa như hát bội (tuồng), hát ví, hát đối, có các lễ hội như lễ hội bánh vò, lễ hội tiến cá gỏi,... Các di tích lịch sử văn hóa như: Đền thờ Lý Thường Kiệt, nghè thờ phu nhân Lý Thường Kiệt và đình làng. Các di tích lịch sử văn hóa ở Thọ Lọc, do thời gian và chiến tranh nên chỉ còn lại các dấu tích, hiện nay các di tích đang được các cấp chính quyền quan tâm đề ra chủ trương phục hồi, nhằm giáo dục lịch sử văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân Thọ Lọc phải sống một cuộc đời cơ cực dưới ách thống trị của bọn thực dân phong kiến và tay sai. Ruộng đất chủ yếu nằm trong tay những người có quyền thế trong thôn, không có tư liệu sản xuất, nên người dân chỉ biết đi làm thuê cuốc mướn, nuôi trâu bò rẽ, trong khi đó chính quyền thực dân lại đặt ra bao nhiêu thứ thuế, do đó tình trạng nợ nần, thiếu đói liên tục diễn ra ở trong thôn.

Trước sự áp bức bóc lột của chế độ thực dân phong kiến nhân dân thôn Thọ Lọc đã đứng lên chống áp bức, thành lập các tổ chức ái hữu chống bắt phu bắt lính, chống sưu cao thuế nặng và tham gia tích cực vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Trong các phong trào đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu như: ông Tái, ông Phiến, ông Lục, ông Cấu, ông Xiển, ông Đội, ông Thi, ông Ngự, ông Lọc (Tạo), ông Chiểu, bà Thợn “Long”, ông Tảo, bà Chiên (ngành), bà Giót, bà Hợi, ông Táo, ông Thiết, ông Thịnh (Sằn), bà Loát,...

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân trong thôn đã tích cực xây dựng, củng cố chính quyền, xây dựng đời sống mới, đồng thời làm tốt nhiệm xây dựng và bảo vệ hậu phương, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Trong các phong trào quyên góp ủng hộ kháng chiến, tiêu biểu là gia đình bà Giót... Ngoài ra, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân thôn Thọ Lọc đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho bệnh viện K71 sơ tán tiếp tục hoạt động.

Trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Thọ Lọc đã làm tốt nhiệm vụ phục hồi, cải tạo, phát triển sản xuất, thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), cùng với quân dân miền Bắc đánh thắng 2 cuộc chiến mới tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời tích cực chi viện cho tiền tuyến “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngoài ra, trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Thọ Lọc còn làm tốt nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ các cháu học sinh K8 ở Vĩnh Linh (Quảng Trị), nuôi dưỡng bộ đội đi B và tạo điều kiện cho trường quân y 105 mở 3 lớp quân y 3, 4 và 5.

Qua hai cuộc kháng chiến, Thọ Lọc có 180 người nhập ngũ chiến đấu ở các chiến trường, 54 người đi dân công hỏa tuyến, 34 người đi thanh niên xung phong, trong đó có 20 người đã hy sinh vì Tổ quốc, trong đó gia đình mẹ Tằn có 2 con là liệt sĩ, có 20 người là thương bệnh binh, có 1 bà mẹ Việt Nam anh hùng có con trai duy nhất là mẹ Nguyễn Thị Quỹ. Với những thành tích đạt được, nhiều cá nhân của thôn Thọ Lọc đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 120 Huân, Huy chương các loại.

Đất nước hòa bình thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân Thọ Lọc đã khắc phục khó khăn, giữ vững an ninh trật tự nơi thôn xóm, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng đời sống mới. Đến nay, bộ mặt thôn Thọ Lọc đã được thay da đổi thịt, không còn nhà tranh tre nứa lá, đời sống vật chất và tinh của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Hàng năm, tỷ lệ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi, gia đình ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, gia đình văn hóa đạt tỷ lệ cao.

Về tổ chức chính trị: Hiện nay chi bộ có 42 đảng viên, trong đó có nhiều đảng viên được tặng huy hiệu 60, 50, 40, 50 năm tuổi Đảng, do đồng chí Nguyễn Văn Bưởi làm Bí thư. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ngày càng được củng cố, góp phần vào thành tích chung của xã nhà.

Ngày 15 tháng 4 năm 2002, Thọ Lọc long trọng tổ chức khai trương xây dựng thôn văn hóa, đến ngày 11 tháng 4 năm 2005 được công nhận thôn văn hóa cấp huyện, đến ngày 3 tháng 12 năm 2010 được công nhận thôn văn hóa cấp tỉnh.

Làng Hà Xá: Qua một số sử liệu ở địa phương cho biết thì làng vốn là trại ấp có tên là Hà Trang do ông Trịnh Nhượng, người huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An lập nên. Theo lưu truyền trong dân gian cho biết, ông Trịnh Nhượng là lính của triều đình nhà Lý khi đóng quân ở Yên Trung, có yêu một người con gái họ Nguyễn, sau khi mãn hạn nghĩa vụ ông đã cưới người con gái họ Nguyễn đó và ở lại khai khẩn đồng ruộng, lập nên ấp Hà Trang.

Xưa kia làng Hà Xá, ngoài khu cư trú chính, còn có 4 xóm trại do 4 chi họ và dòng họ Nguyễn bên vợ ông Trịnh Nhượng khai khẩn, mở rộng xóm làng, đó là trại Đồng Đen nay là xóm Hà Đông, trại Cây Thị nay là xóm Hà Thượng, trại Đồng Vàng nay là thôn Hà Thành, trại Cần Đụn nay là xóm Hà Tân. Về sau do sắp xếp lại đơn vị hành chính, xóm Thị - Hà Thượng sáp nhập vào thôn Tiến Thắng; xóm Đồng Vàng thành lập nên thôn Hà Thành, xóm Cần Đụn - Hà Tân sáp nhập vào thôn Tân Tiến, xóm Giữa - Hà Trung thành lập thôn Trung Đông.

Thôn Trung Đông vốn là một phần đất của làng Hà Xá. Thôn nằm về phía nam của xã. Phía Bắc giáp với thôn Tiến Thắng, phía đông giáp với thôn Lạc Tụ, phía tây giáp với thôn Tấn Tiến, phía nam giáp với thôn Nam Thạch. Hiện nay, thôn có 115 hộ, với 460 nhân khẩu, diện tích tự nhiên là 36,3 ha, trong đó diện tích canh tác là 27,7 ha. Có 11 dòng họ sinh sống, đó là các họ Trịnh, Nguyễn, Lê, Trần, Vũ, Hoàng, Hà, Mai, Phùng, Phan, Phạm.

Cũng như các làng, thôn khác trong xã, thôn Trung Đông có một đời sống tinh thần khá phong phú, như có lễ hội cỗ chay diễn ra từ ngày 18 đến ngày 19 tháng 3 âm lịch hàng năm, lễ Cầu phúc vào tiết xuân, lễ cầu yên bước vào mùa hạ, cầu đảo khi gặp hạn hán... Các di tích lịch sử văn hóa như: Đền thờ Cao sơn Thượng đẳng thần, đình làng... Ở thôn Trung Đông hiện còn lưu giữ nhiều sắc phong của triều Lê - Nguyễn phong tặng cho các vị thần và cho làng Hà Xá. Các di tích lịch sử văn hóa ở thôn Trung Đông, do thời gian và chiến tranh nên nay chỉ còn lại các dấu tích, hiện nay các di tích đang được các cấp chính quyền quan tâm đề ra chủ trương phục hồi, nhằm giáo dục lịch sử văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, hầu hết người dân thôn Trung Đông sống trong điều kiện khó khăn về mọi mặt. Đất đai chủ yếu nằm trong tay địa chủ, cả làng có trên 230 mẫu ruộng, thì nằm trong tay địa chủ 200 mẫu, người nông dân chỉ biết bán sức lao động, cấy rẽ, nuôi trâu bò rẽ để kiếm sống, trong khi đó chế độ thực dân phong kiến lại đặt ra nhiều thứ thuế. Do điều kiện sống khó khăn, nhiều người dân trong thôn đã phải rời quê hương đi nơi khác kiếm sống như ông Cơi, ông Vanh đi làm thuê ở Điền Lư (Bá Thước), ông Can, ông Sử, ông Thích đi làm phu ở đồn điền và nhiều người đã phải chịu cái chết vì đói như ông Trịnh.

Trước sự áp bức bóc lột của chế độ thực dân phong kiến; nhân dân thôn Trung Đông đã đoàn kết đứng lên chống áp bức và cường quyền, thành lập các tổ chức ái hữu giúp nhau trong sản xuất, chống bắt phu, bắt lính và tham gia tích cực vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Trong các phong trào đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu như các ông: Trịnh Văn Lưỡng, Trịnh Văn Điều, Trịnh Đăng Nga, Trịnh Đăng Cần, ông Ngần, Trịnh Văn Dũng, Trịnh Đăng Chuyên, Trịnh Văn Sinh, Trịnh Văn Môn, Trịnh Bá Sự, Trịnh Văn Tịch, Trịnh Bá Bằng, Trịnh Văn Vận, Trịnh Đăng Bưởi, Trịnh Đăng Trình, Trịnh Văn Cứ, Trịnh Văn Ong,...

Thôn có Đại tá Trịnh Đăng Bưởi được công nhận là cán bộ Tiền khởi nghĩa.

Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân trong thôn đã tích cực xây dựng, củng cố chính quyền, xây dựng đời sống mới, đồng thời làm tốt nhiệm xây dựng và bảo vệ hậu phương, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.

Trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của chi Đảng bộ, nhân dân Trung Đông đã làm tốt nhiệm vụ phục hồi, cải tạo, phát triển sản xuất, thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), cùng với quân dân miền Bắc đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời tích cực chi viện cho tiền tuyến đánh giặc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngoài ra, trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân thôn Trung Đông còn giành nhiều nhà cửa để các đơn vị bộ đội ở, làm kho chứa lương thực, nơi làm việc của UBHC xã, đồng thời làm tốt nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ các cháu học sinh K8 ở Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Qua hai cuộc kháng chiến, thôn Trung Đông có 28 người tham gia lực lượng vũ trang, 12 người đi dân công hỏa tuyến, 7 người đi thanh niên xung phong, trong đó có 4 người đã hy sinh vì Tổ quốc, 4 người là thương bệnh binh. Với những thành tích đạt được, nhiều cá nhân của thôn Trung Đông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 20 Huân, Huy chương các loại.

Đất nước hòa bình thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân thôn Trung Đông đã khắc phục khó khăn, giữ vững an ninh trật tự nơi thôn xóm, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng đời sống mới. Đến nay, bộ mặt thôn Trung Đông đã được thay đổi khá nhiều, không còn nhà tranh tre nứa lá, đời sống vật chất và tinh của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Hàng năm tỷ lệ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi, gia đình ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, gia đình văn hóa đạt tỷ lệ cao.

Về tổ chức chính trị: Năm 1947, trên cơ sở số lượng đảng viên trong làng, Chi bộ Yên Thọ đã quyết định thành lập tổ Đảng Hà Xá (Trung Đông, Hà Thành), đến năm 1947, tổ Đảng Hà Xá có 12 đảng viên. Đến năm 2012, Chi bộ thôn Trung Đông có 11 đảng viên, trong đó có nhiều đảng viên được nhận huy hiệu 30, 40, 50, 60 tuổi đảng, do đồng chí Trịnh Nam Trung làm Bí thư. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ngày càng được củng cố có nhiều hoạt động tích cực góp phần vào thành tích chung của xã nhà. Ngày 18 tháng 4 năm 2003, thôn Trung Đông khai trương xây dựng thôn văn hóa, đến ngày 20 tháng 3 năm 2007 thôn Trung Đông được công nhận là thôn văn hóa cấp huyện.

Thôn Hà Thành vốn là một phần đất của làng Hà Xá, thôn nằm về phía tây của xã. Phía bắc giáp với làng Mỹ Lợi, xã Yên Tâm, phía đông giáp với thôn Tân Tiến qua một cánh đồng, phía tây giáp với xã Yên Tâm, phía nam giáp với thôn Nam Kim. Hiện nay, thôn có 102 hộ, với 409 nhân khẩu, diện tích tự nhiên là 31,7 ha, trong đó diện tích canh tác là 23,4 ha. Có 11 dòng họ sinh sống đó là các dòng họ Trịnh Đăng, Trịnh Bá, Trịnh Văn, Nguyễn, Lê, Hoàng, Trần Khương, Phạm, Thiều, Chu.

Cũng như thôn Trung Đông, thôn Hà Thành có đời sống tinh thần khá phong phú và có một số di tích lịch sử văn hóa như: đình, đền... Các di tích lịch sử văn hóa ở Hà Thành đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, do thời gian và chiến tranh nên chỉ còn các dấu tích, hiện nay các di tích đang được các cấp chính quyền quan tâm đề ra chủ trương phục hồi, nhằm giáo dục lịch sử văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, hầu hết người dân thôn Hà Thành sống trong cảnh đói nghèo, cơ cực. Đất đai chủ yếu nằm trong tay địa chủ, người dân chỉ biết đi làm thuê cuốc mướn, cấy rẽ, nuôi trâu bò rẽ để kiếm ăn, nhiều người phải rời bỏ quê hương đi kiếm sống.

Trước sự áp bức bóc lột của bọn thực dân phong kiến, nhân dân thôn Hà Thành đã đoàn kết đứng lên chống áp bức và cường quyền, thành lập các tổ chức ái hữu giúp nhau trong sản xuất, chống bắt phu bắt lính và tham gia tích cực vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân trong thôn đã tích cực xây dựng, củng cố chính quyền, xây dựng đời sống mới, đồng thời làm tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ hậu phương, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.

Trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Hà Thành đã làm tốt nhiệm vụ phục hồi, cải tạo, phát triển sản xuất, thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), cùng với quân dân miền Bắc đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời tích cực chi viện cho tiền tuyến đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngoài ra, trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Hà Thành còn làm tốt nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ các cháu học sinh K8 ở Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Qua hai cuộc kháng chiến, Hà Thành có 30 người nhập ngũ chiến đấu ở các chiến trường, 2 người dân công hỏa tuyến, 2 người đi thanh niên xung phong, 3 người đi công nhân quốc phòng, trong đó có 12 người đã hy sinh vì Tổ quốc, gia đình ông Trịnh Bá Bẩm có 2 người con là liệt sĩ; 7 người là thương bệnh binh. Với những thành tích đạt được, nhiều cá nhân của thôn Hà Thành được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 45 Huân, Huy chương các loại.

Đất nước hòa bình thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Thành đã khắc phục khó khăn, giữ vững an ninh trật tự nơi thôn xóm, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng đời sống mới. Đến nay, đời sống nhân dân thôn Hà Thành đã có sự thay đổi rõ nét, không còn nhà tranh tre nứa lá, đời sống vật chất và tinh của nhân dân được nâng lên. Hàng năm tỷ lệ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi, gia đình ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, gia đình văn hóa đạt tỷ lệ cao.

Về tổ chức chính trị: Đến nay, chi bộ có 15 đảng viên, trong đó có nhiều đồng chí được tặng huy hiệu 60, 50, 40, 30 tuổi Đảng, do đồng chí Hoàng Văn Chi làm Bí thư. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể quần chúng thường xuyên được củng cố, đã làm tốt vai trò và nhiệm vụ của tổ chức.

Ngày 15 tháng 3 năm 2001 thôn Hà Thành long trọng xây dựng thôn văn hóa, đến ngày 15 tháng 3 năm 2004 thôn được công nhận thôn văn hóa cấp huyện.

 Làng Lạc Tụ xưa kia làng có tên là thôn Bái Đô, nay là thôn Lạc Tụ, làng nằm về phía Đông Nam của xã. Phía Bắc giáp xã Yên Thọ, phía đông giáp xã Yên Trường, phía tây giáp Trường Tiểu học Yên Trung, phía nam giáp xã Yên Bái. Theo các nguồn sử liệu ở địa phương cho biết, do quá trình chuyển đổi của dòng cựu Mã Giang đã bồi đắp một bãi cát hình quả trứng rồng, xưa kia gọi là Bãi Xăng Khu. Vào thế kỷ XV, bà Nguyễn Thị Diệu người làng Nam Thạch đến khai khẩn và lập nên xóm làng, sau tiếp đến là các dòng họ Trịnh, Phạm, Hoàng,...Do đó, bãi Xăng Khu ngày càng đông đúc, xóm làng trù phú. Để tưởng nhớ người đã có công khai phá vùng đất, nhân dân trong làng đã lập miếu thờ Bà. Làng có diện tích tự nhiên là 25,82 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 19,98 ha, có 70 hộ, với 295 nhân khẩu.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân trong thôn đã tích cực xây dựng, củng cố chính quyền, xây dựng đời sống mới, quyên góp, ủng hộ đến mức cao nhất cho Chính phủ, đồng thời làm tốt nhiệm xây dựng và bảo vệ hậu phương, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Trong phong trào tòng quân giết giặc tiêu biểu là các anh: Nguyễn Văn Hân, Nguyễn Văn Cớn, Nguyễn Quang Chiểu, Nguyễn Văn Bích, Phạm Văn Chắt, Phạm Văn Quán, Nguyễn Văn Hoành, Hoàng Văn Môn, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Tầng, Trịnh Viết Cát.

Trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Lạc Tụ đã làm tốt nhiệm vụ phục hồi, cải tạo, phát triển sản xuất, thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), cùng với quân dân miền Bắc đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời tích cực chi viện cho tiền tuyến, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngoài ra, trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Lạc Tụ còn làm tốt nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ 38 cháu học sinh K8 ở Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Qua hai cuộc kháng chiến, Lạc Tụ có 24 người nhập ngũ chiến đấu ở các chiến trường, 6 người đi thanh niên xung phong, 1 người đi dân công hỏa tuyến, trong đó có 14 người đã hy sinh vì Tổ quốc, gia đình bà Hồng có 2 người con là liệt sĩ; 3 người là thương bệnh binh. Với những thành tích đạt được, nhiều cá nhân của thôn Lạc Tụ đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 19 Huân, Huy chương các loại và nhiều Bằng khen, giấy khen.

Đất nước hòa bình thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân Lạc Tụ đã khắc phục khó khăn, giữ vững an ninh trật tự nơi thôn xóm, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng đời sống mới. Đến nay, bộ mặt thôn Lạc Tụ đã có nhiều thay đổi, không còn nhà tranh tre nứa lá, đời sống vật chất và tinh của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Hàng năm tỷ lệ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi, gia đình ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, gia đình văn hóa đạt tỷ lệ cao.

Về tổ chức chính trị: Hiện nay, chi bộ có 11 đảng viên, trong đó có nhiều đồng chí được nhận huy hiệu 30, 40, 50, 60 năm tuổi đảng, do đồng chí Nguyễn Văn Chung làm Bí thư. Trong nhiều năm liền chi bộ liên tục được công nhận là chi bộ trong sạch vững mạnh. Mặt trận và các đoàn thể luôn được củng cố và có nhiều hoạt động tích cực góp phần vào thành tích chung của địa phương.

Ngày 4 tháng 4 năm 2004, thôn Lạc Tụ long trọng khai trương thôn văn hóa. Ngày 20 tháng 3 năm 2008, Lạc Tụ được công nhận là thôn văn hóa cấp huyện.

Làng Lại Xá nay là thôn Tiến Thắng, thôn nằm ở trung tâm xã. Phía Bắc giáp thôn Long Tiến, phía đông giáp với Cựu Mã Giang, phía tây giáp với đồng ruộng phía nam giáp với thôn Trung Đông. Theo tài liệu hiện có cho biết, làng được thành lập từ thế kỷ XVI. Người đầu tiên khai phá vùng đất này là ông Lại Khắc Minh và ông đã lập ra 6 chi họ ở mảnh đất này. Về sau có thêm dòng họ Lê đến cùng sinh sống. Năm 1972, trong quá trình tháp nhập HTX, làng Hà Thượng sáp nhập vào Lai Xá, nên làng có thêm 2 dòng nữa là họ Trịnh, họ Nguyễn. Năm 1977, để thuận canh, thuận cư, một số họ ở làng Mố chuyển về thôn Tiến Thắng sinh sống như họ Lại Khắc, họ Phan, họ Đỗ, họ Mai, họ Ngô, trong đó họ Lại Khắc là dòng họ lớn nhất.

Hiện nay, làng có diện tích tự nhiên là 33,5 ha, trong đó diện tích canh tác là 24,5 ha, có 128 hộ, với 458 nhân khẩu.

Trên đất làng Lại Xá hiện còn lưu truyền câu chuyện, xưa kia khi Lý Thường Kiệt đưa quân đi đánh chiếm thành đã dựng trại nghỉ chân ở đất Lai Xá. Khi qua Mã Giang phải đợi đò lâu, nên đã đặt bến đò đó là bến đò Lo.Tại làng Lại Xá còn có bến Cóc, đó là một hang đá ăn sâu vào núi trông giống miệng con Cóc.

Cũng giống như các làng khác trong xã, làng Lại Xá - thôn Tiến Thắng có một đời sống tinh thần khá phong phú và có một hệ thống di tích lịch sử văn hóa như: Phủ Lời thờ bà Liễu Hạnh, chùa Lời thờ thần vị chú Khách người Trung Quốc, đền Lời, nghè, đình làng thờ Cao Sơn tôn thần. Các di tích lịch sử văn hóa ở Tiến Thắng, hiện nay các di tích đang được các cấp chính quyền quan tâm đề ra chủ trương phục hồi, trong đó đền Lời đã được trùng tu và tôn tạo, nhằm tăng cường việc giáo dục lịch sử văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.

Năm 1945, nhân dân làng Lại Xá - thôn Tiến Thắng đã cùng với nhân dân cả xã, cả huyện, cả tỉnh làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân. Từ năm 1945 - 1954, nhân dân trong thôn đã tích cực xây dựng, củng cố chính quyền, xây dựng đời sống mới, đồng thời làm tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ hậu phương, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Ngoài ra, nhân dân Tiến Thắng đã tạo điều kiện thuận lợi về nhà cửa, vườn tược để cho công nhân xưởng Minh Khai, Lê Lợi ăn ở và làm kho chứa hàng. Trong đó, có các gia đình như gia đình ông Tỵ, ông Thắm, ông Hảo, bà Tiệng, ông Lục, ông Chất, bà Dúc, ông Thả, ông Ức, ông Tục, ông Vành, ông Cường, ông Thư,...

Trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, nhân dân thôn Tiến Thắng đã làm tốt nhiệm vụ phục hồi, cải tạo, phát triển sản xuất, thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), cùng với quân dân miền Bắc đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời tích cực chi viện cho tiền tuyến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngoài ra, trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Tiến Thắng còn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ quan đơn vị ăn ở, làm việc, làm kho chứa hàng hóa: như Sư đoàn 338, nhà máy phát điện Bình Giã, đơn vị cầu đường và còn là nơi làm việc của Đảng ủy, chính quyền xã. Các gia đình đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, cơ quan làm việc như gia đình bà chuyên, ông Ngợi, ông Dần, ông Tụ, bà Khái, ông Ức, ông Bính, ông Thả, bà Biên, ông Đỡ, bà Phượng, bà Tiệng, ông Lục, ông Chữ, trong đó tiêu biểu là gia đình bà Bạo đã giành toàn bộ khu vườn hơn 2 sào để làm nhà máy điện binh Giã CD2...

Qua hai cuộc kháng chiến, Tiến Thắng có hơn 20 người nhập ngũ chiến đấu ở các chiến trường, 2 người đi dân công hỏa tuyến, 7 người đi thanh niên xung phong, trong đó có 8 người đã hy sinh vì Tổ quốc, 8 người là thương bệnh binh. Với những thành tích đạt được, nhiều cá nhân của thôn Tiến Thắng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 43 Huân, Huy chương các loại.

Đất nước hòa bình thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân Tiến Thắng đã khắc phục khó khăn, giữ vững an ninh trật tự nơi thôn xóm, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng đời sống mới. Đến nay, thôn Tiến Thắng đã có nhiều khởi sắc, không còn nhà tranh tre nứa lá, đời sống vật chất và tinh của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Hàng năm tỷ lệ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi, gia đình ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, gia đình văn hóa đạt tỷ lệ cao.

Về tổ chức chính trị: Năm 1947, làng Lại Xá - Tiến Thắng có 3 đảng viên, do đó đã thành lập một tổ Đảng, do đồng chí Lại Quang Ức làm tổ trưởng, đến năm 1949, tổ Đảng phát triển được 9 đảng viên. Năm 1953, tổ Đảng Lại Xá là một trong những tổ Đảng của Chi bộ Yên Trung, đến nay chi bộ có 13 đảng viên, trong đó có 10 đồng chí được nhận huy hiệu 60, 50, 40, 30 tuổi Đảng, do đồng chí Lại Minh Xô làm Bí thư. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể quần chúng như thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh được thành lập và thường xuyên được củng cố, đã làm tốt vai trò và nhiệm vụ của tổ chức. Qua các thời kỳ, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đã đạt được những thành tích đáng kể, được cấp trên khen thưởng.

Ngày 28 tháng 4 năm 2001, thôn tổ chức khai trương thôn văn hóa, đến ngày 16 tháng 3 năm 2003, thôn được công nhận thôn văn hóa cấp huyện.

Làng Nam Thạch: Xưa kia làng có tên gọi là Nam Trịnh và có 2 xóm trại là Cần Đụn (nay là thôn Tân Tiến) và Bái Đợn (nay là thôn Nam Kim).

Thôn Nam Thạch: Phía bắc giáp thôn Trung Đông, phía đông giáp với hồ Cựu Mã Giang, phía tây giáp với thôn Nam Kim, phía nam giáp với thôn Thọ Cường. Hiện nay, thôn có 40,4 ha diện tích tự nhiên, trong đó có 33,4 ha diện tích canh tác, có 130 hộ, với 548 nhân khẩu, của các dòng họ như: Trịnh Duy, Trịnh Văn, Hà Văn, Lê Văn, Đỗ Văn, Chu Đình, Nguyễn Văn, Lại Văn, Lại Bá.

Các di tích lịch sử văn hóa như: Nghè thờ Đào Cam Mộc - là một trong những người có công gây dựng triều Lý, đình làng, đền.... Các di tích lịch sử văn hóa ở Nam Thạch, do thời gian và chiến tranh nên chỉ còn lại các dấu tích, hiện nay các di tích đang được các cấp chính quyền quan tâm đề ra chủ trương phục hồi, nhằm giáo dục lịch sử văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, hầu hết người dân thôn Nam Thạch sống trong cảnh đói nghèo, cơ cực. Đất đai chủ yếu nằm trong tay địa chủ, người dân chỉ biết đi làm thuê cuốc mướn, thậm chí nhiều người phải rời quê hương đi kiếm sống.

Trước sự áp bức bóc lột của chế độ thực dân phong kiến, nhân nhân thôn Nam Thạch đã đoàn kết đứng lên chống áp bức và cường quyền, thành lập các tổ chức ái hữu giúp nhau trong sản xuất, chống bắt phu bắt lính, và tham gia tích cực vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân trong thôn đã tích cực xây dựng, củng cố chính quyền, xây dựng đời sống mới, tích cực tham gia các đợt quyên góp ủng hộ Chính phủ, lực lượng dân quân, bộ đội, đồng thời làm tốt nhiệm xây dựng và bảo vệ hậu phương, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, giúp đỡ các cơ quan đơn vị sơ tán về địa phương.

Trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Nam Thạch đã làm tốt nhiệm vụ phục hồi, cải tạo, phát triển sản xuất, thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), cùng với quân dân miền Bắc đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời tích cực chi viện cho tiền tuyến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngoài ra, trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Nam Thạch còn tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan đơn vị có nơi ở, làm việc... nhiều gia đình nhận nuôi, chăm sóc, bảo vệ các cháu học sinh K8 ở Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Qua hai cuộc kháng chiến, Nam Thạch có 26 người nhập ngũ chiến đấu ở các chiến trường, 22 người đi dân công hỏa tuyến, 17 người đi thanh niên xung phong, trong đó có 8 người đã hy sinh vì Tổ quốc, 7 người là thương bệnh binh. Với những thành tích đạt được, nhiều cá nhân của thôn Nam Thạch được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 32 Huân, Huy chương các loại.

Đất nước hòa bình thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân Nam Thạch đã khắc phục khó khăn, giữ vững an ninh trật tự nơi thôn xóm, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng đời sống mới. Đến nay, diện mạo của thôn Nam Thạch đã có nhiều thay đổi, không còn nhà tranh tre nứa lá, đời sống vật chất và tinh của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Hàng năm tỷ lệ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi, gia đình ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, gia đình văn hóa đạt tỷ lệ cao.

Về tổ chức chính trị: Năm 1948, trên cơ sở số lượng đảng viên trong làng, Chi bộ Yên Thọ đã quyết định thành lập tổ Đảng ghép Nam Thạch - Khả Phú, do đồng chí Trịnh Ngọc Khanh làm tổ trưởng, đến đầu năm 1949, tách ra làm hai tổ Đảng: Khả Phú và Nam Thạch. Đến nay, chi bộ có 9 đảng viên, trong đó có 4 đảng viên 60, 50, 40, 30 tuổi Đảng, do đồng chí Nguyễn Văn Đương làm Bí thư. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể quần chúng như thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh được thành lập và thường xuyên được củng cố, đã làm tốt vai trò và nhiệm vụ của tổ chức. Qua các thời kỳ, Mặt trận và các tổ chức đã đạt được những thành tích đáng kể, được cấp trên khen thưởng.

Tháng 8 năm 2001, thôn tổ chức khai trương thôn văn hóa, đến tháng 3 năm 2004, thôn được công nhận thôn văn hóa cấp huyện.

Thôn Nam Kim nằm ở phía Tây Nam của xã. Thôn xưa vốn là đất trại của làng Nam Thạch và phần đất của thôn Thạch Đài, một phần đất của thôn Tiến Bộ, phía bắc giáp thôn Tân Tiến, Hà Thành, phía đông giáp đồng ruộng, phía Tây giáp làng Thành Hưng (xã Yên Tâm), phía nam giáp với thôn Thọ Khang qua một khu đồng. Hiện thôn có diện tích tự nhiên là 57,2ha, trong đó diện tích canh tác là 40,2ha, có 170 hộ với 620 nhân khẩu. Những dòng họ đầu tiên đến đây khai phá phải kể đến là dòng họ Chu, Trịnh, Lại, Lê, Nguyễn, tiếp đến là các họ Đỗ, Phạm, Hoàng, Mai, Hà, Vũ.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, hầu hết người dân thôn Nam Kim sống trong cảnh khổ cực cả về vật chất lẫn tinh thần. Đất bị địa chủ tìm mọi cách thâu tóm, người dân chỉ biết đi làm thuê cuốc mướn, cấy rẽ và nuôi trâu bò rẽ, thậm chí phải rời quê hương đi nơi khác kiếm sống.

Trước sự kìm kẹp của chế độ thực dân phong kiến, nhân nhân thôn Nam Kim đã đoàn kết đứng lên chống áp bức và cường quyền, thành lập các tổ chức ái hữu giúp nhau trong sản xuất, chống bắt phu bắt lính và tham gia tích cực vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân trong thôn đã tích cực xây dựng, củng cố chính quyền, xây dựng đời sống mới, làm tốt nhiệm xây dựng và bảo vệ hậu phương, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Ngoài ra, còn tạo mọi điều kiện để các cơ quan, đơn vị làm việc, an dưỡng, như các đơn vị: sư đoàn 338, bệnh viện K71, đoàn an dưỡng...

Trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Nam Kim đã làm tốt nhiệm vụ phục hồi, cải tạo, phát triển sản xuất, thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), cùng với quân dân miền Bắc đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời tích cực chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngoài ra, trong kháng chiến chống Mỹ, 16 gia đình trong thôn nhận nuôi, chăm sóc và bảo vệ các cháu học sinh K8 ở Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Qua hai cuộc kháng chiến, Nam Kim có 46 người tham gia lực lượng vũ trang, 62 dân công hỏa tuyến, 12 người đi thanh niên xung phong, trong đó có 15 người đã hy sinh vì Tổ quốc, 17 người là thương bệnh binh. Với những thành tích đạt được, nhiều cá nhân của thôn Nam Kim được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 25 Huân, Huy chương các loại, 2 người được công nhận là chiến sĩ diệt Mỹ, đó là đồng chí Trịnh Xuân Quy và đồng chí Chu Đình Chính.

Đất nước hòa bình thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân Nam Kim đã khắc phục khó khăn, giữ vững an ninh trật tự nơi thôn xóm, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng đời sống mới. Đến nay, đời sống vật chất và tinh của nhân dân thôn Nam Kim được nâng lên rõ rệt. Hàng năm, tỷ lệ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi, gia đình ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, gia đình văn hóa đạt tỷ lệ cao.

Về tổ chức chính trị: Hiện nay, chi bộ có 8 đảng viên, trong đó có nhiều đảng viên được tặng huy hiệu 60, 50, 40, 30 tuổi Đảng, do đồng chí Lại Văn Tổng làm Bí thư. Thôn có đồng chí Chu Đình Toản là Bí thư chi bộ Đảng đầu tiên của xã Yên Trung. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể quần chúng như: thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh được thành lập và thường xuyên được củng cố, đã làm tốt vai trò và nhiệm vụ của tổ chức. Qua các thời kỳ, Mặt trận và các tổ chức đã đạt được những thành tích đáng kể, được cấp trên khen thưởng.

Ngày 30 tháng 4 năm 2005, thôn long trọng khai trương xây dựng làng văn hóa. Đến ngày 30 tháng 4 năm 2012, Nam Kim được công nhận là thôn văn hóa cấp huyện.

Thôn Tân Tiến: Vốn là đất trại của làng Nam Thạch và phần đất của thôn Hà Tân, một phần đất của thôn Tiến Bộ, thôn nằm ở trung tâm xã, phía nam giáp thôn Nam Kim, thôn Tân Tiến được bao bọc bởi những cánh đồng, cánh bãi của thôn. Hiện thôn có 21,8 ha diện tích tự nhiên, trong đó đất canh tác chiếm 9 ha, có 108 hộ với 370 nhân khẩu.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, hầu hết người dân thôn Tân Tiến có một cuộc sống vô cùng khổ cực. Đất đai bị địa chủ thâu tóm, người dân chỉ biết đi làm thuê cuốc mướn, lên rừng kiếm ăn, song cái đói, cái rét vẫn diễn ra triền miên.

Trước sự áp bức bóc lột của chế độ thực dân phong kiến, nhân nhân thôn Tân Tiến đã đoàn kết đứng lên chống áp bức và cường quyền, thành lập các tổ chức ái hữu giúp nhau trong sản xuất, chống bắt phu bắt lính và tham gia tích cực vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân trong thôn đã tích cực xây dựng, củng cố chính quyền, xây dựng đời sống mới, đồng thời làm tốt nhiệm xây dựng và bảo vệ hậu phương, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về nhà cửa, vườn tược cho bộ đội ở, làm việc, làm kho chứa hàng hóa.

Trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Tân Tiến đã làm tốt nhiệm vụ phục hồi, cải tạo, phát triển sản xuất, thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), cùng với quân dân miền Bắc đánh thắng 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời tích cực chi viện sức người, sức của tới mức cao nhất cho tiền tuyến đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Ngoài ra, trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Tân Tiến còn làm tốt nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ các cháu học sinh K8 ở Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Qua hai cuộc kháng chiến, Tân Tiến có 23 người tham gia lực lượng vũ trang, 3 người đi dân công hỏa tuyến, 1 người đi thanh niên xung phong, 2 người đi công nhân quốc phòng, trong đó có 7 người đã hy sinh vì Tổ quốc, 6 người là thương bệnh binh. Với những thành tích đạt được, nhiều cá nhân của thôn Tân Tiến được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 25 Huân, Huy chương các loại, một người được công nhận Bảng vàng danh dự.

Đất nước hòa bình thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân Tân Tiến đã khắc phục khó khăn, giữ vững an ninh trật tự nơi thôn xóm, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng đời sống mới. Đến nay, đời sống vật chất và tinh của nhân dân thôn Tân Tiến được nâng lên rõ rệt. Hàng năm, tỷ lệ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi, gia đình ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, gia đình văn hóa đạt tỷ lệ cao.

Về tổ chức chính trị: Chi bộ có 5 đảng viên, do đồng chí Lại Thị Tần làm Bí thư. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể được xây dựng, hoạt động tích cực góp phần vào thành tích chung của địa phương. Ngày 10 tháng 4 năm 2004, thôn tổ chức khai trương xây dựng thôn văn hóa, đến tháng 3 năm 2008 thôn được công nhận thôn văn hóa cấp huyện. Thôn có ông Trịnh Đăng Tài là Chủ tịch UBKC, UBHC đầu tiên của xã Yên Trung.

Ban Biên Tập TTTĐT  xã Yên Trung

 

  • TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ YÊN TRUNG - HUYỆN YÊN ĐỊNH -TỈNH THANH HÓA
  • Địa chỉ: Yên Trung - Yên Định - Thanh Hóa -0342997180
  • Email: laidungphochutich@gmail.com
  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lại Khắc Dũng - 0342997180
  • Bản quyền thuộc về: UBND XÃ YÊN TRUNG - HUYỆN YÊN ĐỊNH -TỈNH THANH HÓA                                                                               
Chung nhan Tin Nhiem Mang